Câu 1: Làm sao để ứng dụng giảng dạy AI/ChatGPT vào giáo dục mà không để sinh viên lạm dụng?
Câu trả lời từ PGS. TS. Đỗ Thành Nhơn, Trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin, Khoa Công nghệ - Kỹ thuật, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Các công cụ AI nói chung và ChatGPT nói riêng đã thể hiện vai trò quan trọng và có tác động lớn đối với giáo dục. Các ứng dụng AI đã hỗ trợ giảng viên trong việc thu thập và tổng hợp thông tin, kiến thức và kỹ năng phục vụ cho công tác giảng dạy, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu. Đối với người học (học sinh, sinh viên, học viên…), các hệ thống AI ứng dụng cho giáo dục cũng hỗ trợ tích cực trong việc học, như tìm kiếm nội dung trả lời cho các câu hỏi hoặc yêu cầu trong quá trình học tập, các mẫu báo cáo, ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi hay kiểm tra…
Bên cạnh những hỗ trợ và tác động tích cực, các ứng dụng như ChatGPT cũng có thể gây ra tác động tiêu cực, đặc biệt khi sinh viên quá lạm dụng. Điều này ảnh hưởng không tốt đến việc học tập và rèn luyện của sinh viên về kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là chuyên môn sâu. Nếu sinh viên không hiểu rõ và nắm vững kiến thức, việc lạm dụng ChatGPT còn dẫn đến kết quả học tập không cao, vì nội dung trả lời của ChatGPT cho các câu hỏi chuyên môn trong chương trình đào tạo đại học thường không đảm bảo đáp ứng yêu cầu của giảng viên.
Để giúp sinh viên tránh lạm dụng các ứng dụng AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong quá trình học tập, theo tôi, nhà trường, cụ thể là các giảng viên, cần chỉ ra cho sinh viên thấy được những tác động tiêu cực của việc lạm dụng này đối với học tập. Đồng thời, giảng viên cũng cần hướng dẫn sinh viên cách sử dụng và khai thác các ứng dụng AI (bao gồm ChatGPT) một cách hiệu quả trong việc học tập và rèn luyện.
Câu trả lời từ TS. Thái Kim Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
Những tác động tích cực
● Giúp người học tiếp cận nguồn tri thức một cách nhanh chóng, dễ dàng, không bị giới hạn về thời gian và không gian, không cần phụ thuộc vào các phương thức truyền thống. Việc ứng dụng AI/ChatGPT sẽ giúp rút ngắn thời gian học tập trên lớp, chuyển trọng tâm từ số giờ học sang chất lượng giờ học.
● Hỗ trợ đắc lực cho giảng viên trong việc giải phóng sức lao động khỏi những công việc văn bản giấy tờ theo khuôn mẫu, để tập trung vào sáng tạo, truyền cảm hứng và dạy học.
● AI có tác động thay đổi phương pháp giảng dạy, hạn chế các phương pháp giảng dạy thụ động như giảng viên đọc, sinh viên chép.
● Hỗ trợ nhà nghiên cứu bằng cách đề xuất các ý tưởng, tìm kiếm tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đưa ra cách thức triển khai công việc và kết nối thông tin trong quá trình tìm kiếm.
Những ảnh hưởng tiêu cực
● Sinh viên có xu hướng lệ thuộc vào kết quả thông tin mà AI/ChatGPT tạo ra, áp dụng vào học tập và làm bài kiểm tra, bài thi cuối khóa. Câu trả lời của AI/ChatGPT có thể khác nhau tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi, mức độ cụ thể, chi tiết và lịch sử tìm kiếm, điều này khiến sinh viên lười suy nghĩ, tư duy và sáng tạo. Hệ quả là vấn đề đạo văn hoặc vi phạm tính liêm chính học thuật.
Nhà trường cần cập nhật chính sách để ứng phó với AI/ChatGPT
1. Tuyên truyền nhận thức về mục đích sử dụng
Nhấn mạnh AI/ChatGPT là công cụ hỗ trợ học tập, giúp sinh viên tìm kiếm thông tin, giải thích khái niệm và cải thiện kỹ năng, không phải phương tiện gian lận.
Tuyên truyền về tầm quan trọng của tính trung thực học thuật, nhấn mạnh rằng việc lạm dụng AI/ChatGPT (như sao chép bài tập) có thể làm giảm khả năng tư duy và học tập thực sự.
2. Chính thức hóa việc tích hợp AI/ChatGPT vào phương pháp giảng dạy
Hướng dẫn sinh viên cách sử dụng AI/ChatGPT một cách hiệu quả, chẳng hạn như để tìm hiểu ý tưởng mới, tạo dàn ý hoặc làm tài liệu tham khảo thay vì sao chép hoàn toàn.
Giảng viên có thể sử dụng AI/ChatGPT như một phần của bài giảng để minh họa cách công cụ này hoạt động, đồng thời hướng dẫn giảng viên cách đánh giá thông tin do AI cung cấp.
3. Thay đổi cách đánh giá môn học, kiểm tra tính sáng tạo của sinh viên
Yêu cầu sinh viên giải thích hoặc biện luận về kết quả mà AI đưa ra, thay vì chỉ đơn thuần trình bày lại nội dung.
Tạo bài tập mang tính cá nhân hóa hoặc yêu cầu áp dụng vào tình huống cụ thể để giảm khả năng lạm dụng nội dung từ AI.
Tăng cường các hình thức kiểm tra năng lực thực tế như thảo luận nhóm, thuyết trình hoặc kiểm tra trên lớp.
Đưa ra các nhiệm vụ yêu cầu sinh viên sử dụng kiến thức riêng, tư duy sáng tạo và kỹ năng nghiên cứu độc lập.
Tập trung đánh giá dựa trên nỗ lực và quá trình học tập, không nên chỉ dựa vào bài thi kết thúc môn.
4. Sử dụng công cụ giám sát và phần mềm chống gian lận
Nhà trường cần sử dụng công cụ phần mềm (Turnitin, AI Text Classifier, AI Content Detector…) để phát hiện nội dung được tạo bởi AI, nhằm xác định xem sinh viên có lạm dụng trong bài tập hay không.
Giảng viên cần theo dõi và đánh giá sinh viên qua nhiều giai đoạn để đảm bảo sinh viên thực sự học tập.
5. Xây dựng quy định rõ ràng về liêm chính học thuật
Thiết lập chính sách rõ ràng về cách thức sinh viên được phép sử dụng AI/ChatGPT trong học tập và các trường hợp xử lý nếu sinh viên vi phạm.
Trang bị cho giảng viên kiến thức, kỹ năng để phát hiện và xử lý các tình huống sinh viên lạm dụng AI/ChatGPT.
Câu trả lời từ TS. Nguyễn Thành Hải, Viện trưởng Viện STEAM, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT)
Để đảm bảo việc ứng dụng AI/ChatGPT trong giáo dục mang lại giá trị tích cực mà không bị lạm dụng, các trường đại học cần xây dựng hệ thống tích hợp chặt chẽ giữa giáo dục, công nghệ và đạo đức học thuật. Các giải pháp bao gồm:
1. Giáo dục nhận thức về AI (Educating about AI)
- Cần dạy cho sinh viên hiểu rõ bản chất của AI, như ChatGPT, là công cụ hỗ trợ phân tích và tư duy, không phải là giải pháp thay thế.
- Tích hợp các nội dung giáo dục về trí tuệ nhân tạo vào chương trình giảng dạy để sinh viên biết cách khai thác công cụ hiệu quả và có trách nhiệm.
2. Đặt ra quy định minh bạch và hướng dẫn rõ ràng (Clear Guidelines)
- Xây dựng quy tắc đạo đức học thuật liên quan đến việc sử dụng AI, nhấn mạnh rằng sinh viên cần minh bạch trong việc sử dụng công cụ này và không được sao chép hay nộp bài một cách máy móc.
- Yêu cầu trích dẫn nguồn khi AI đóng vai trò hỗ trợ, tương tự như cách trích dẫn tài liệu tham khảo. Hiện nay, các trường đại học ở Mỹ đều có hướng dẫn sinh viên cách trích dẫn, kể cả khi sử dụng AI.
3. Thay đổi phương pháp đánh giá (Diversifying Assessment)
- Tập trung nhiều hơn vào từng bước (Focus on Task): Chuyển trọng tâm từ bài tập lý thuyết sang các bài tập yêu cầu giải thích từng bước trong ý tưởng, áp dụng kiến thức thực tế và thể hiện quan điểm cá nhân. Cách này sẽ giúp sinh viên tư duy sâu hơn và không quá phụ thuộc hoàn toàn vào AI.
- Đánh giá đa chiều (Multidimensional Assessment): Kết hợp các hình thức viết, thuyết trình và làm việc nhóm để đánh giá năng lực thực tế của sinh viên.
4. Sử dụng AI như công cụ giảng dạy chính thức (Official Teaching Tool)
- Giảng viên nên hướng dẫn sinh viên cách sử dụng AI để tìm kiếm tài liệu, phân tích dữ liệu và tạo ý tưởng, từ đó giúp sinh viên nhận thức được giá trị bổ trợ (complementary) của AI thay vì xem nó là sự thay thế tư duy (thinking replacement).
- Khuyến khích các hoạt động sử dụng AI có giám sát (under supervision), ví dụ: sử dụng ChatGPT trong các dự án nhóm để phát triển ý tưởng ban đầu, nhưng yêu cầu sinh viên chủ động triển khai chi tiết.
5. Phát triển kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking)
- Tăng cường bài học yêu cầu sinh viên phân tích tính chính xác và độ tin cậy của các câu trả lời từ AI, từ đó giúp nâng cao tư duy phân tích và tránh phụ thuộc vào công cụ này.
Như vậy, AI/ChatGPT không chỉ trở thành công cụ hỗ trợ mà còn là một phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực tự học, đồng thời khuyến khích sinh viên duy trì tính chính trực trong học tập.
Câu 2: Nghiên cứu STEAM trong giảng dạy kiến trúc, quy hoạch để áp dụng phương pháp dạy mới?
Câu trả lời từ TS. Nguyễn Thành Hải, Viện trưởng Viện STEAM, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT)
Việc ứng dụng STEAM (Science, Technology, Engineering, Art, Mathematics) trong giảng dạy kiến trúc và quy hoạch đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành. Sau đây là một số gợi ý định hướng nghiên cứu và ứng dụng:
1. Nghiên cứu tổng hợp giữa STEAM và kiến trúc/quy hoạch
- Khoa học (Science): Tập trung nghiên cứu vật liệu xây dựng mới, công nghệ năng lượng tái tạo và tác động môi trường để thiết kế các công trình bền vững.
- Công nghệ (Technology): Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế và mô phỏng không gian kiến trúc.
- Kỹ thuật (Engineering): Đào sâu các phương pháp tối ưu hóa kết cấu và kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường.
- Nghệ thuật (Art): Tích hợp yếu tố văn hóa, thẩm mỹ vào quy hoạch và thiết kế không gian để tạo nên các công trình mang tính biểu tượng.
- Toán học (Math): Phân tích dữ liệu, tối ưu hóa chi phí và tính toán cấu trúc trong các mô hình xây dựng.
2. Đề xuất phương pháp giảng dạy mới dựa trên STEAM
- Học tập qua dự án (Project-Based Learning): Sinh viên tham gia các dự án thực tế, ví dụ như quy hoạch khu dân cư hoặc thiết kế không gian công cộng bền vững, để áp dụng kiến thức liên ngành vào thực tiễn.
- Ứng dụng công nghệ tương tác: Sử dụng phần mềm thiết kế (Revit, Rhino, Grasshopper) kết hợp với VR/AR để giúp sinh viên trực quan hóa không gian kiến trúc và quy hoạch đô thị.
- Phương pháp học tích hợp (Integrated STEAM learning): Kết nối các bài học liên ngành, ví dụ: sử dụng Toán học để phân tích chi phí, khoa học để đánh giá vật liệu và công nghệ để tạo bản vẽ kỹ thuật số.
3. Nghiên cứu các dự án thực tế
- Thiết kế bền vững (sustainable design): Nghiên cứu các giải pháp kiến trúc thích nghi với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng.
- Quy hoạch thông minh (smart planning): Tích hợp dữ liệu lớn (Big Data) và AI để phân tích các yếu tố giao thông, dân cư, cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra quy hoạch đô thị tối ưu.
- Hợp tác với cộng đồng: Tạo ra các dự án gắn kết sinh viên với doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để giải quyết các vấn đề thực tế như xây dựng khu tái định cư hay cải tạo không gian văn hóa công cộng.
4. Tạo môi trường khuyến khích sáng tạo
- Tổ chức các cuộc thi hoặc hội thảo STEAM để sinh viên trình bày ý tưởng.
- Xây dựng phòng thí nghiệm STEAM trong trường đại học, nơi sinh viên có thể thử nghiệm công nghệ mới và thực hiện các mô hình thiết kế.
Viện STEAM của Trường Đại học UMT sắp tới sẽ tổ chức các khóa đào tạo giảng viên về cách tích hợp giáo dục STEAM dành cho bậc đại học. Vui lòng liên hệ với chúng tôi để biết thêm chi tiết về các khóa học.
Câu 3: Qua phần trình bày của TS. Ngô Đắc Thuần, có thể thấy rằng giữa các quốc gia hiện nay đang diễn ra một "cuộc chiến" về số lượng và độ phủ của các sáng chế, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. TS. Thuần có ý kiến như thế nào về nhận định này?
Câu trả lời của TS. Ngô Đắc Thuần, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Sở hữu trí tuệ IP Group
Câu hỏi về “cuộc chiến” số lượng và độ bao phủ của các sáng chế để gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế giữa các quốc gia là một nhận định rất đúng đắn và phản ánh rõ thực trạng cạnh tranh toàn cầu hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Đây không chỉ là cuộc đua về số lượng bằng sáng chế, mà còn là một cuộc cạnh tranh đa chiều, phức tạp, ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế và địa chính trị của mỗi quốc gia.
● Thứ nhất: Số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp phản ánh trực tiếp năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nghiên cứu - phát triển (R&D) của một quốc gia. Một quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực AI chứng tỏ họ đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Điều đó tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng lớn.
● Thứ hai: Độ bao phủ của các sáng chế, tức là phạm vi bảo hộ (scope of limitation) và phạm vi áp dụng (scope of work) của các công nghệ tương ứng, cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Một bằng độc quyền sáng chế có phạm vi bảo hộ rộng và sâu sẽ có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và nhiều quốc gia, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế to lớn hơn. Điều này đòi hỏi quốc gia đó không chỉ sở hữu công nghệ đột phá mà còn phải có khả năng thương mại hóa hiệu quả, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và chiến lược bảo vệ trí tuệ toàn diện.
● Thứ ba: Cuộc cạnh tranh này còn liên quan đến việc kiểm soát các nguồn lực then chốt, bao gồm dữ liệu, tài năng xử lý dữ liệu và công nghệ lõi. AI phụ thuộc rất lớn vào dữ liệu và quốc gia nào nắm giữ được lượng dữ liệu khổng lồ, chất lượng cao và có khả năng xử lý dữ liệu hiệu quả sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Tương tự, việc thu hút và giữ chân các nhà khoa học, kỹ sư hàng đầu trong lĩnh vực AI cũng là yếu tố quyết định. Dữ liệu từ các báo cáo của Harvard Business Review (2021) và AI Index Report 2022 (Stanford University) đã chỉ rõ vị thế dẫn đầu của Trung Quốc về số lượng bài báo nghiên cứu và bằng sáng chế AI, vượt qua cả Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2024, Stanford đã ra mắt công cụ Global Vibrancy Tool 2024, đo lường năng lực AI của các quốc gia thông qua 42 chỉ số, bao gồm nghiên cứu, đầu tư tư nhân và bằng sáng chế. Báo cáo cho thấy Mỹ đang dẫn đầu với lợi thế rõ rệt, tiếp theo là Trung Quốc và Anh.
○ Mỹ giữ vững vị trí số một, sở hữu hệ sinh thái AI mạnh nhất thế giới, đứng đầu trong nghiên cứu AI, phát triển mô hình machine learning và đầu tư tư nhân (67,2 tỷ USD năm 2023). Mỹ cũng là quốc gia có nhiều hoạt động tuyển dụng và khởi nghiệp AI nhất.
○ Trung Quốc đứng thứ hai nhưng có sự thụt lùi: Dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế AI. Tuy nhiên, Mỹ vượt xa Trung Quốc ở nhiều khía cạnh, như đầu tư tư nhân (chỉ 7,8 tỷ USD của Trung Quốc) và mô hình machine learning (61 của Mỹ so với 15 của Trung Quốc).
○ Các quốc gia khác cũng tăng cường đầu tư vào AI, như UAE, xếp thứ 5 nhờ đầu tư lớn vào các viện nghiên cứu, hay Anh, xếp thứ 3, với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI lần đầu tiên vào năm 2023.
○ Hàn Quốc và Pháp lần lượt xếp thứ 7 và thứ 6, tiếp tục tổ chức các sự kiện AI toàn cầu.